CÂY NGHỆ

Natural Remedies 22:15
 
Công dụng của củ nghệ
 
Tên khoa học: Curuma longa L.   
 
Họ gừng Zingiberaceae.
 
Tên khác: Nghệ, Khương hoàng, Uất kim, Co hem (Mường), Co khản min (Thái), Khinh lương (Tày).
 
Tên vị thuốc: Khương hoàng.
 
I. Đặc điểm thực vật
 
Nghệ là loại thân cỏ cao 60 - 100 cm. Thân rễ thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang có màu vàng đến màu cam sẫm. Thân rễ sống nhiều năm, thân khí sinh tàn lụi hàng năm. Lá hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu, hai mặt đều nhẵn dài tới 45 cm, rộng tới 18 cm, cuống lá có bẹ. Hoa tự bông nạc hình trụ ở ngọn, lá bắc mầu lục pha vàng ở đầu, cánh hoa ngoài phía gốc mầu xanh lục vàng dần lên các thuỳ nên toàn bông hoa có mầu vàng, lá bắc gần ngọn pha màu hồng ở đầu lá; cánh hoa chia 3 thuỳ, 2 thuỳ hai bên đứng và phẳng, thuỳ giữa lõm thành máng sâu. Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van khi chín. Hạt có áo hạt.
 
Mùa hoa tháng 3 - 5. Mùa quả tháng 6 - 8.
 
II. Điều kiện sinh thái và phân bố
 
Nghệ mọc hoang dã được trồng ở hầu khắp các tỉnh nước ta, củ được dùng làm gia vị và làm thuốc. Nghệ phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu á như ấn Độ, Inđônêxia, Campuchia, Lào, Thái Lan…
 
Nghệ là loài sinh trưởng và phát triển mạnh. Từ mầm ngủ của rễ củ mọc lên thành thân giả mang lá và hoa sống suốt năm và đến mùa đông thì tàn lụi.
 
Nghệ ưa khí hậu ôn hoà, nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển là 20 - 25oC. Lượng mưa trung bình trong năm từ 2000 - 2500 mm, ẩm độ không khí 80 - 90%, Nghệ ưa đất cao ráo, thoát nước, có độ pH = 6,5 - 7.
 
III. Giá trị  làm thuốc
 
1. Thành phần hoá học
 
Trong củ Nghệ có chứa 3,5 - 4% hỗn hợp chất màu. Thành phần chủ yếu là Curcuminoid, dầu béo và nhựa.
 
2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
 
a) Bộ phận dùng làm thuốc:
 
Bộ phận dùng làm thuốc: Thân rễ (khương hoàng), củ nhánh (uất kim).
 
b) Công dụng:
 
Theo y học cổ truyền
 
- Thân rễ (khương hoàng) có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, lên da non. Khương hoàng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra, kết hòn cục đau bụng, bị đồn, ngã tổn thương ứ máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da. Ngày 2 - 6g/ngày, dưới dạng bột hay thuốc sắc.
 
- Rễ Nghệ (uất kim) có vị cay đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ. Chữa khí huyết uất trệ, bụng sườn đau, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, cuồng loạn và nhiệt bệnh gây hôn mê. Dùng ngoài có thể chữa vết thương, làm nhanh chóng thành sẹo và lên da non.
 
- Nghệ dùng tươi, giã nhỏ, vắt nước, dùng để chữa mụn nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên mụn mới để làm đỡ sẹo.
 
- Là nguyên liệu để chiết curcuminoid làm chất màu dược - thực phẩm. Hiện nay curcuminoid đã được chứng minh trong hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh dạ dày… Viện Dược liệu đã tiến hành nghiên cứu phương pháp chiết xuất curcuminoid và dầu Nghệ.
 
- Trong y học cổ truyền ấn Độ, Nghệ được dùng chữa sốt rét, làm chất dễ tiêu, bổ và lọc máu, dùng ngoài để chữa vết loét ngoài da. ở Trung Quốc, Nghệ được dùng làm thuốc kích thích, bổ, giảm đau, cầm máu, tăng cường chuyển hoá, được chỉ định trong viêm loét và xuất huyết dạ dày, tiết niệu chảy máu… còn dùng ngoài để trị trĩ, vết thương, viêm da mủ, nấm tóc. ở Nepal, Nghệ được dùng làm thuốc bổ dưỡng, kích thích làm trung tiện, lọc máu… ở một số nước Đông Nam á, Nghệ được dùng với tác dụng làm trung tiện, chữa vàng da, bệnh gan, cầm máu, rối loạn kinh nguyệt, làm tăng tuần hoàn, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thấp khớp, tiêu chảy…
 
Theo y học hiện đại
 
- Nghệ có hoạt tính chống viêm cấp tính và mãn tính trong các mô hình gây phù bàn chân chuột hay gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng.
 
- Tác dụng ức chế miễn dịch tương tự như Indomethacin, hydrocortison acetat, gây teo thu tuyến ức ở chuột cống non.
 
- Tinh dầu Nghệ có tác dụng chống viêm khớp thực nghiệm, do ức chế các enzym trypsin, hyaluronidase. Curcumin và dẫn chất có tác dụng chống viêm do thu dọn các gốc oxy tự do của quá trình viêm.
 
- Nghệ có tác dụng chống loét dạ dày và loạn tiêu hoá. Thử tác dụng của cao nước hoặc cao methanol của Nghệ thấy: giảm tiết dịch vị, tăng lượng chất nhầy của dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống các thương tổn gây bởi thắt môn vị, nhịn đói, indomethacin,  stress…
 
- Cao lỏng toàn phần của Nghệ vàng có tác dụng làm giảm cholesterol và lipid toàn phần trong máu của thỏ đã gây tăng cao trong thực nghiệm.
 
- Một số thành phần hoá học trong Nghệ còn có hoạt tính ức chế một số chủng vi khuẩn trên in vitro: Samonella paratyphi, Bacillus mycoides, Mycobacteria turberculosis… Curcumin còn có tác dụng kháng virus và ức chế protease của HV-1, HIV- 2…
 
- Cao chiết trong dầu hoả của Nghệ trên chuột cống trắng cho tác dụng ngừa thai với liều trên 100mg/kg thể trọng, dùng từ 1 - 7 ngày.
 
- Trong một số nghiên cứu lâm sàng cho kết quả: bột Nghệ có kết quả tốt với điều trị rối loạn tiêu hoá axit, loạn tiêu hoá đầy hơi và loạn tiêu hoá mất trương lực, làm lành vết loét và giảm đau; curcumin thể hiện tác dụng chống viêm có hiệu quả trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, cải thiện đối với sự cứng đơ buổi sáng, sưng khớp…
 
- Một số chế phẩm từ Nghệ đã thử nghiệm cho kết quả: viên Kim truật (từ Nghệ và Bạch truật) trên thử nghiệm lâm sàng làm giảm khá nhanh các cơn đau, giảm độ axit tự do của axit dịch vị và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá, nhưng không thay đổi biểu hiện trên X-quang; viên Hương Nghệ (Nghệ, mai mực, hương phụ, cà độc dược) làm hết đau thượng vị, hết ợ chua, ợ hơi, hết cơn đau về đêm...; kem Nghệ thử điều trị bỏng cho thấy có tính kháng khuẩn, kháng nấm, loại trừ tổ chức hoại tử, kích thích tái tạo các tổ chức và liền sẹo.
 
- Nghệ còn được dùng để điều trị viêm gan siêu vi trùng mãn và cấp tính cho kết quả khá tốt cả trên lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
 
- Tinh dầu Nghệ có tác dụng sát trùng yếu, chống axit, liều thấp có tác dụng kích thích tiêu hoá, liều cao gây ức chế nhu động ruột. Ngoài ra còn có tác dụng chống oxy hoá, lợi mật, gây co túi mật.
 
- Một số nghiên cứu trên curcumin cho thấy: ức chế tan hồng cầu ở nồng độ thấp nhưng không ức chế ở nồng độ cao, tăng lưu lượng mật, tăng lượng cholesterol và axit mật, kích thích hoạt tính của men arylhydroxylase ở gan. Với curcuminoid, thấy có tác dụng bảo vệ gan, chống tổn thương gan gây bởi carbon tetrachlorid trên in vivo, in vitro
 
- Độc tính cấp và mãn của Nghệ rất thấp, không có tác dụng gây đột biến và gây ung thư.
 
Nguồn: http://rcmp.org.vn/chi-tiet-bai-viet/198/cay-nghe.html

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »