Tiêu dùng thực phẩm hữu cơ (Organic food) tại Việt Nam

Natural Remedies 16:33


Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, có yêu cầu nghiêm ngặt về việc không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại và không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng. 

Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông, không được dùng công nghệ biến đổi gene và kể cả công nghệ nano.

Thực phẩm hữu cơ bao gồm các loại sản phẩm từ cây trồng (trái, hạt, củ,…) và các sản phẩm từ vật nuôi (thịt, trứng, sữa). Từ hai loại thực phẩm cơ bản này người ta có thể sản xuất ra các loại thực phẩm hữu cơ khác như nước ép trái cây, phô mai, snack… Ngoài lý do về việc sử dụng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn các loại thực phẩm thông thường, các khoa học đã thống kê rằng thực phẩm hữu cơ mang lại nhiều chất dinh dưỡng hơn, đó chính là lý do vì sao người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ đều nhận xét rằng sản phẩm này ăn ngon hơn và có vị đậm đà hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất đại trà thông thường. Có thể lấy ví dụ về việc phân tích hàm lượng của hai loại rau, đó là dưa chuột và rau cải, bảng dưới đây sẽ cho chúng ta thấy sự vượt trội của sản phẩm hữu cơ:


CHỈ TIÊUĐƠN VỊCẢI NGỌT HỮU CƠCẢI NGỌT THƯỜNGDƯA CHUỘT HỮU CƠDƯA CHUỘT THƯỜNG
Đường tổng số%1,421,362,552,48
Vitamin CMg/100g25,1225,266,316,29
Chất khô%8,947,864,124,55
E.ColiKhuẩn lạc/g58505
NO3 – Nitratmg/kg6502015105220
Chìmg/kg0,1251,0850,0840,180
       Cadimimg/kg0,0090,0220,0020,006
(Nguồn: Trịnh Khắc Quang, Vũ Thị Hiển, 2005 – 2007. Viện Nghiên cứu Rau Quả)
Bảng trên cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của rau hữu cơ đều cao hơn mẫu thường mặc dù mẫu mã không đẹp. Các chỉ tiêu về dư lượng hóa học đảm bảo an toàn thực phẩm đều thấp hơn so với mẫu rau thường, đặc biệt là lượng Nitrate và Ecoli đều thấp hơn ngưỡng cho phép nhiều lần.

Trên thị trường hiện nay đang có hai loại thực phẩm hữu cơ, đó là thực phẩm hữu cơ có giấy chứng nhận và thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ. Cụ thể là thực phẩm hữu cơ có giấy chứng nhận là loại thực phẩm một số tổ chức có thẩm quyền quốc tế như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận.

Còn thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ là làm theo các tiêu chuẩn của các tổ chức nói trên nhưng chưa có chứng nhận. Ngoài ra ở thị trường Việt Nam còn có thực phẩm được gọi là thực phẩm sạch, có giấy chức nhận khi đáp ứng các tiêu chuẩn khác như Global GAP, VietGAP…, đây không phải là các sản phẩm hữu cơ mà là các sản phẩm được sản xuất ra có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học… nhưng có kiểm soát về hàm lượng an toàn cho phép.

Việc sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ không hề dễ dàng, điều này khiến cho giá cả của các sản phẩm hữu cơ cao hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại được sản xuất đại trà. Có thể lấy ví dụ về việc trồng rau hữu cơ. Vì trồng rau hữu cơ không được dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và hóa chất kích thích tăng trưởng, nên ngay từ khâu đầu tiên là có được mảnh đất đủ điều kiện canh tác hữu cơ tại Việt Nam hiện nay không hề dễ dàng do đất đai thâm canh nhiều năm đã tích tụ phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, không thể trồng rau hữu cơ.

Để được cấp chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp toàn cầu hay để được bắt đầu canh tác hữu cơ, nhà sản xuất phải chứng minh mảnh đất đó có ít nhất ba năm không canh tác hay sử dụng hóa chất trong phân vô cơ hay thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học. Còn trong quá trình canh tác, nhà sản xuất chỉ được dùng phân bón hữu cơ tự ủ theo quy trình hoặc phân hữu cơ có chứng nhận quốc tế. Cuối cùng là để có được giấy chứng nhận thì nhà sản xuất phải cung cấp mẫu đất, mẫu nước và mẫu rau củ để cơ quan chứng nhận thực hiện phân tích trên 200 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ. Sau đó nếu qua được tất cả các test kiểm định thì mới được cấp chứng nhận. Quy trình này được lặp lại mỗi năm và như vậy cho thấy số tiền đầu tư vào để được cấp chứng nhận là không hề nhỏ đối với quy mô sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam.

Hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ quan nào chứng nhận hữu cơ cho thị trường nội địa. Riêng các sản phẩm nằm trong dự án trồng cây hữu cơ do chính phủ Đan Mạch tài trợ có tên là “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ” (ADDA) sẽ được tổ chức Hệ thống bảo đảm cùng tham gia– PGS (Participatory Guarantee System) xem xét chứng nhận. Đây là một hệ thống chứng nhận chung trên thế giới được đặt tại các nước có dự án sản xuất hữu cơ, PGS có quy trình khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của từng nước nhưng về cơ bản phải tuân thủ theo những quy định của Liên đoàn Phong trào Hữu cơ Quốc tế (IFOAM).

Tại Việt Nam, PGS được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường sản phẩm nội địa hiện nay, những sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ nhưng không có chứng nhận PGS thì vẫn là hàng “tự phong”, chưa có tiêu chuẩn nào giám sát và chứng nhận. Vì tiêu chuẩn chất lượng sản xuất nghiêm ngặt nên nhiều nhóm sản xuất trong dự án đã không thành công vì nông dân rất khó tuân thủ. Chính vì vậy, lượng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam chưa thể dồi dào như mong muốn của người tiêu dùng, và giá thành của các sản phẩm này cũng rất cao.

Nhật Hạ (Đại Kỷ Nguyên)

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »