Thưa sếp,
Tức nước có lúc vỡ bờ. Tuy tên em là dạ
dày, nhưng không có nghĩa là dạ em dày đến độ khó thủng. Tuy có người
gọi em là bao tử nhưng đừng tưởng em rỗng như cái bao nên khó bị bệnh,
bất tử. Trái lại, em tuy mặt mày nhăn nheo đến mấy lớp nhưng mong manh
lắm. Ấy thế mà sếp nỡ lòng nào đem con bỏ chợ để em dạo sau này cứ nay
đau mai yếu.
Đã vậy vì đứt ruột do tiền mất cho thầy
thuốc nhưng tật vẫn mang nên sếp nhẫn tâm hát hoài vở tuồng trăm dâu đổ
đầu tằm, cứ như em rỗi rảnh buồn tình nên tự viêm loét cho vui! Khiển
trách đâu có nghĩa trách ai cũng được miễn đừng trách người… điều khiển!
Tiên trách kỷ hậu hãy trách bao tử! Sếp
thử xem lại cuốn phim “24 giờ của doanh nhân” với sếp là vai chính kiêm
luôn đạo diễn thì hiểu ngay oan cho em đến thế nào!
Trước hết, vừa thức dậy, thay vì uống
giùm ly nước thật lớn để trung hòa lượng chất chua đầy ắp trong dạ dày
do trăn trở tính toán không ngừng trong giấc ngủ lơ mơ thì sếp lại ngồi
ngay vào máy vi tính.
Sếp tất nhiên không thể nào ăn lót dạ
trong khi… ngủ! Dạ có dày bao nhiêu cũng chịu sao nổi mũi công kích của
chất chua nếu bao tử trống rỗng phơi mình làm bia đỡ đạn?
Đã vậy, thay vì thư giãn ít phút cho hệ
thần kinh giao cảm tìm về mức ổn định, sếp lại đổ quạu vì bản tin chứng
khoán, bất động sản, hối suất, lãi suất ngân hàng… mấy khi vừa lòng
trong thời buổi kinh tế toàn cầu đang chẳng khác nào bánh tráng gặp trời
mưa! Dịch vị khi đó cũng như dịch vụ y tế, chưa giảm lại tăng!
Bước vào giờ điểm tâm sếp còn ác hơn
nữa. Thay vì ăn cho no bụng để em được nhờ, sếp vì mải ưu tư nên chỉ
uống cà phê đọc báo. Phải chi sếp chọn Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì đỡ
khổ cho em. Đằng này sếp lựa toàn những bản tin bạo lực trên báo ngày
theo kiểu chủ nhân hành hạ trẻ em, chuyện xả nước thải rồi được huy
chương bảo vệ môi trường… Với tác dụng tăng bài tiết dịch vị của cà phê,
lại thêm nỗi tức giận đi kèm thì em đúng là lãnh đòn “hai trong một”!
Chịu đựng cho qua mấy giờ làm việc căng
thẳng của buổi sáng, vì sếp đằng nào cũng hết pin nhưng vẫn “tới luôn
bác tài”, quả là một cực hình cho em với vết loét cứ lâm râm suốt buổi.
Tưởng còn nhớ đến em vào giờ nghỉ trưa, ai ngờ sếp thêm đòn đánh nguội
với bữa cơm trưa như thù như nghịch với dạ dày! Nếu em nói được thì em
đã từ lâu hét lớn là “sếp ơi, sếp à, sếp đừng ăn cơm trưa như ăn…
cướp?”. Sếp ăn nhanh đến thế, lại thêm vừa ăn vừa sử dụng điện thoại,
thì em làm sao xay nhuyễn thức ăn cho kịp. Em càng cố gắng thi đua, vết
thương lòng càng lớn. Vừa làm, vừa đau làm sao em có thể ngày nào cũng
vượt chỉ tiêu cho nổi, trừ khi em báo cáo láo cho sếp vừa lòng!
Nào đã xong, vì trật nhịp sinh học trong
bữa ăn nên chất chua, cũng từa tựa như loại nhanh nhẩu đoảng nhưng khi
vào việc chỉ được nước hụ hợ lấy có, vốn đã thừa trước bữa ăn lại được
bài tiết tối đa sau bữa ăn đến cả tiếng đồng hồ. Khi đó trong bao tử còn
đâu thức ăn để được tiêu hóa? Thế thì, cũng vì bệnh thành tích, chất
chua xơi tái ngay niêm mạc của… em! Sếp có uống cả lố thuốc ngoại thì
vết loét vẫn bất chiến tự nhiên thành!
Với bữa ăn trưa nghịch lý như thế phải
chi sau đó sếp bỏ ít phút tập thiền, thêm nửa giờ ngủ trưa thì đỡ cho em
biết mấy. Đằng này dù mệt mỏi, dù ngáp dài, sếp lại ra sân quá sớm
khiến hệ thần kinh giao cảm còn lâu mới biết cảnh quân bình. Thay vì có
gì ăn xế trong buổi chiều để bọc lót cho em, sếp nhịn luôn một lèo đến
khi ngoài đường hết kẹt xe mặc cho em kẹt cứng với ổ loét càng lúc càng
chiếm thế thượng phong vì cùng phe với sếp.
Ăn uống là tiếng kép. Có ăn hãy uống.
Bữa ăn chiều của sếp lại ít khi ăn mà thường là uống cho trôi nổi ưu
phiền. Đồng ý là rượu bia có tác dụng trấn an hệ thần kinh đằng nào cũng
căng hơn dây đàn của sếp nhưng thuốc tốt cách mấy cũng có “phản ứng
phụ”! Cứ mỗi ly bia đổ vào bao tử thì em được chia huê hồng mỏng lắm
cũng nửa ly chất… chua! Mà khi xỉn mấy ai nhớ uống thuốc trị đau bao tử.
Bữa nhậu cuối ngày của sếp đúng là ngón đòn kết liễu! Đã vậy ngày nào
cũng thế!
Tưởng đến giờ ngủ được yên, ai ngờ sếp
đặt lưng tuy thẳng cẳng nhưng chỉ được đến 1, 2 giờ sáng thì giật mình
rồi thức trắng. Nếu tưởng chỉ mình sếp “đầu tư chất xám” thì lầm! Có tìm
ra giải pháp nào khả thi cho doanh nghiệp hay không thì chưa biết,
thường là không vì lúc tỉnh còn không xong dễ gì trong lúc mơ mơ màng
màng, nhưng sản phẩm khó tránh khi sếp suy nghĩ lại là chất chua trong
dạ dày.
Sếp càng nghĩ ngợi càng… chua! Khỏi kể
lể dông dài cũng thừa hiểu đám vi khuẩn Helicobacter sống chực chờ tìm
cách ăn theo, chỉ cần em sơ hở là xơi em liền. Thời buổi này mà sếp,
không biết dùng cùi chõ dễ gì ngồi yên. Nếu em có cách nào “i meo” cho
sếp thì từ lâu em đã khẩn khoản yêu cầu sếp thôi đừng “phát huy sáng
kiến” trong lúc ngủ vì chỉ khổ thân em, khổ kẻ thừa hành. Ai nói đêm dài
lắm mộng. Với thân em chỉ toàn ác mộng!
Sếp ơi, lời thật khó tránh mất lòng.
Thân em như cái dạ dày, phất phơ giữa bụng dễ gì không đau? Nhưng thà
mất lòng trước được lòng sau hơn là nín khe cho hài lòng cấp trên rồi có
ngày cả sếp lẫn em đều mất cả chì lẫn chài. Sếp nên nghĩ lại một lần.
Dù là chủ tớ, sếp đối xử tệ bạc với em nào có ích gì. Có qua có lại mới
toại lòng nhau. Môi hở đến răng còn lạnh. Không lẽ chuyện gì cũng lỗi
tại em? Không lẽ em bệnh hoài sếp vui được sao? Có thực mới vực được
đạo, liệu sếp lấy gì nuốt cho trôi nếu em kéo cày hết nổi?
(Theo kinh tế sài gòn)
EmoticonEmoticon