Nhiễm trùng Helicobacter Pylori ở dạ dày

Helicobacter Pylori

Vi trùng Helicobacter Pylori (H. Pylori) được xem là một trong những tác nhân chủ yếu của chứng viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dà.

Ngày nay, vi trùng Helicobacter Pylori (H. Pylori) được xem là một trong những tác nhân chủ yếu của chứng viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, hiểu biết về ảnh hưởng của vi trùng H. Pylori lên sức khỏe con người trong người dân chưa thật đúng, dẫn đến những lo lắng quá mức cần thiết khi chỉ ở dạng mang trùng không triệu chứng, hoặc thờ ơ khi nguy cơ phát triển ung thư đã đến gần. Nhiều người đổ xô đi xét nghiệm xem có bị nhiễm vi trùng H. Pylori hay không và có người bật khóc khi biết mình có kết quả dương tính.

Nhiễm trùng H. Pylori ở dạ dày có thể được xem là bình thường, bởi vì hơn một nửa nhân loại sống trên hành tinh này có vi trùng H. Pylori trong dạ dày. Tại các nước nghèo tỉ lệ người dân bị nhiễm trùng còn cao hơn. Tại Việt Nam và Trung Quốc tỉ lệ nhiễm vi trùng H. Pylori trong trong dân số lên đến 75%. Vi trùng H. Pylori là tác nhân gây ra các bệnh lý dạ dày ở người, tuy nhiên chỉ có một số ít mà thôi. Khoảng 80% số người bị nhiễm vi trùng H. Pylori trong dạ dày không có triệu chứng hoặc biến chứng, khoảng 10 - 15% sẽ có loét dạ dày tá tràng và chỉ 1 - 3% sẽ xuất hiện ung thư dạ dày sau quá trình viêm nhiễm do H. Pylori gây ra trong hơn chục năm ở dạ dày.

Tinh-bot-nghe-lam-hong-chua-dau-da-day
 Cây nghệ ở Nghĩa Đàn - Nghệ An, nơi được xem nguồn nghệ có chứa nhiều chất curcumin (Hình: Lam Hồng)

Vi trùng H. Pylori gây ra những bệnh gì ở người?

Vi trùng H. Pylori gây ra các bệnh lý sau ở người:

Viêm dạ dày cấp tính.

Viêm dạ dày mãn tính.

Loét dạ dày, tá tràng.

Lymphoma loại MALT ở dạ dày.

Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Chứng rối loạn tiêu hóa không loét.

Tác nhân liên quan chủ yếu với ung thư dạ dày ở người.

Năm 1994 WHO xếp vi trùng H. Pylori vào nhóm tác nhân gây ung thư nhóm 1, tức là tác nhân gây ung thư đã được khẳng định. Tuy nhiên, sự hình thành ung thư dạ dày không do một yếu tố duy nhất, mà là sự tác động của nhiều yếu tố di truyền, vi trùng H. Pylori, các hóa chất trong môi trường sống, thực phẩm, nước uống. Có nhiều chủng vi trùng H. Pylori khác nhau, gần đây các nhà khoa học xác định người nhiễm chủng vi trùng H. Pylori có mang gen cagA có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Tiến trình hình thành ung thư dạ dày do vi trùng H. Pylori diễn ra qua nhiều giai đoạn biến đổi ở niêm mạc dạ dày và cần khoảng 30 năm.

Những đối tượng nào cần phải điều trị tiệt trừ khi bị nhiễm vi trùng H. Pylori?

Trong việc điều trị tiệt trừ vi trùng H. Pylori ở người thì có những chỉ định đã rõ ràng vì khoa học đã có bằng chứng khẳng định lợi ích của việc điều trị diệt trừ, bên cạnh đó có những chỉ định mà các nhà y học vẫn đang bàn cãi, chưa có sự thống nhất ý kiến hoặc cần chờ đợi thêm bằng chứng khoa học về lợi ích của việc tiệt trừ. Các chỉ định điều trị diệt trừ vi trùng H. Pylori sau đã được đề xuất:

- Loét dạ dày, loét tá tràng.

- Tiền sử bị loét dạ dày, tá tràng.

- Lymphoma niêm mạc dạ dày.

- Sau khi cắt ung thư dạ dày sớm.

- Có quan hệ huyết thống bậc 1 với người bị ung thư dạ dày (cha mẹ, anh chị em ruột).

- Viêm toàn bộ dạ dày hoặc viêm vùng thân vị do vi trùng H. Pylori.

- Rối loạn tiêu hóa không loét.

- Cần dùng Aspirin lâu dài.

- Dùng NSAID lâu dài.

- Viêm teo niêm mạc dạ dày.

- Chuyển sản ruột niêm mạc dạ dày.

- Viêm thực quản trào ngược đòi hỏi cần dùng PPI lâu dài.

- Thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân.

- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

- Mong muốn của người bệnh sau khi biết rõ lợi ích và tác dụng phụ của điều trị.
Những trường hợp bị nhiễm vi trùng H. Pylori nhưng không có chỉ định điều trị thì người bị nhiễm cần tham gia chương trình tầm soát ung thư dạ dày khi đến tuổi 40 - 50 tuổi. Có thể khi nội soi để tầm soát ung thư dạ dày ở tuổi 40 - 50 tuổi lại phát hiện ra các tổn thương mới ở dạ dày, dẫn đến việc bác sĩ quyết định điều trị tiệt trừ, nhưng 10 - 20 năm về trước bác sĩ yêu cầu không cần điều trị.
Những đối tượng dễ bị nhiễm vi trùng H. Pylori.

Vi trùng H. Pylori lây lan từ người này sang người khác qua nước bọt, chất ói, phân. Lây truyền thường qua nước uống, các dụng cụ ăn uống, chén dĩa, đũa muỗng, ăn rau sống…

Các nhà khoa học nhận thấy người sống trong các điều kiện sau dễ bị nhiễm vi trùng H. Pylori:

- Sống trong gia đình có người bị nhiễm.

- Sống trong nhà đông người.

- Nơi không có nguồn nước sạch.

- Nơi vệ sinh kém.

Phòng tránh lây nhiễm vi trùng H. Pylori

Vi trùng H. Pylori lây nhiễm từ người bệnh sang người lành qua đường nước bọt, chất ói và phân người. Để phòng tránh lây nhiễm vi trùng H. Pylori thì phải chú ý vệ sinh thực phẩm, nước uống. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải đánh răng, ly, chén, muỗng đũa. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tránh các thói quen uống 1 ly xoay vòng, dùng chung 1 chén nước chấm, gắp thức ăn cho người khác bằng đũa muỗng của mình.

Một số lưu ý khi điều trị tiệt trừ vi trùng H. Pylori

Vi trùng H. Pylori sống trong lớp chất nhày ở niêm mạc dạ dày và phóng thích độc tố gây viêm niêm mạc dạ dày, chính lớp chất nhày này là hàng rào bảo vệ cho vi trùng. Hiện tại không có vắc-xin chủng ngừa cho vi trùng H. Pylori. Việc điều trị diệt vi trùng có khó khăn, thường phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc để điều trị. Nhiều loại kháng sinh dùng điều trị diệt vi trùng H. Pylori đã bị đề kháng.

Người bệnh khi đã xác định mình cần điều trị thì phải điều trị đúng liều, đủ thời gian. Không dùng thuốc nửa chừng rồi ngưng sẽ gây hiện tượng vi trùng kháng thuốc. Uống các thuốc điều trị diệt trừ vi trùng H. Pylori thường có nhiều tác dụng phụ làm người bệnh cảm thấy khó chịu và ngưng thuốc giữa chừng. Do vậy, trước khi uống thuốc người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và biện pháp xử lý.

Sau khi điều trị đúng liều, ngưng kháng sinh 4 tuần, các thuốc làm giảm tiết acid dạ dày 2 tuần, rồi đi xét nghiệm lại xem vi trùng H. Pylori đã bị tiệt trừ hay chưa. Nếu người bệnh không ngưng sử dụng các thuốc trên thì xét nghiệm sẽ dễ cho kết quả âm tính giả, tức là xét nghiệm trả lời không có vi trùng, nhưng thực tế vi trùng vẫn đang tồn tại. Cũng cần biết là xét nghiệm máu tìm kháng thể chống vi trùng H. Pylori không có giá trị trong việc xác định vi trùng đã bị tiệt trừ hay chưa vì kháng thể này tồn tại 1 - 2 năm sau khi vi trùng đã bị tiệt trừ.

Số người bị nhiễm vi trùng H.Pylori thì rất nhiều, nhưng số người sẽ bị bệnh do hậu quả nhiễm vi trùng H.Pylori ít. Như vậy có cần thiết phải điều trị diệt trừ vi trùng H.Pylori cho tất cả những ai có vi trùng H.Pylori trong dạ dày hay không? Các nhà khoa học trên thế giới đều thống nhất ý kiến là không cần thiết phải điều trị tiệt trừ H.Pylori cho tất cả những ai bị nhiễm vi trùng này trong dạ dày và chỉ có nhóm đối tượng có nguy cơ cao đi đến tình trạng bệnh tật do hậu quả của việc nhiễm trùng mới cần thiết phải điều trị tiệt trừ H.Pylori.

BS. NGUYỄN PHƯỚC LÂM
BV. Quốc tế Thành Đô
Nguồn:Báo Sức Khỏe và Đời Sống

 

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »